Health Encyclopedia
Search Clinical Content Search Health Library
A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z A-Z Listings

Vi sinh vật đa kháng thuốc (MDRO)

Một số vi khuẩn đã trở nên kháng các loại thuốc thông thường (kháng sinh) được sử dụng để điều trị chúng. Điều này có nghĩa là thuốc kháng sinh không còn có thể tiêu diệt được những vi trùng đó nữa. Vi khuẩn kháng điều trị bằng nhiều loại kháng sinh được gọi là sinh vật đa kháng thuốc (MDRO). MDRO chủ yếu ảnh hưởng đến những người ở bệnh viện và cơ sở chăm sóc dài hạn. Nhưng chúng cũng trở nên phổ biến hơn ở trẻ em và người lớn khỏe mạnh. Một người nào đó có thể là người mang vi khuẩn. Có nghĩa là họ không có bất kỳ triệu chứng nào. Hoặc họ có thể bị nhiễm khuẩn , nghĩa là họ có triệu chứng.

  • Cư trú. Khi một người mang vi khuẩn MDRO nhưng không có triệu chứng thì được gọi là bị vi khuẩn cư trú. Người này có thể lây lan MDRO cho người khác. Về sau họ cũng có thể xuất hiện các triệu chứng nếu hệ miễn dịch của họ yếu đi.

  • Nhiễm khuẩn. Khi một người bị bệnh do vi khuẩn này, họ đã bị nhiễm MDRO. Người này cũng có thể lây lan MDRO cho người khác. Nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng nhiễm MDRO có thể rất nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong.

Nguyên nhân gì gây ra MDRO?

MDRO chủ yếu là do lạm dụng kháng sinh. Lạm dụng xảy ra khi kháng sinh:

  • Được dùng khi không cần thiết

  • Không được dùng đủ thời gian như chỉ định của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe

  • Được cho động vật nuôi để lấy thịt, chẳng hạn như gà và gia súc ăn với số lượng lớn

Lúc đầu, chỉ có một số vi khuẩn có thể sống sót sau khi điều trị bằng kháng sinh. Nhưng càng sử dụng kháng sinh thường xuyên thì khả năng vi khuẩn kháng thuốc phát triển càng lớn.

Ai có nguy cơ nhiễm MDRO?

Bất kỳ ai cũng có thể bị MDRO cư trú hoặc bị nhiễm MDRO. Nhưng một số yếu tố rủi ro khiến điều này dễ có khả năng xảy ra hơn. Chúng bao gồm:

  • Sống chung hoặc tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc có MDRO cư trú

  • Dùng chung đồ vật với người bị nhiễm hoặc có MDRO cư trú

  • Bị bệnh nặng hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu

  • Gần đây nằm viện

  • Sống trong viện dưỡng lão hoặc cơ sở chăm sóc dài hạn

  • Điều trị bằng kháng sinh gần đây

  • Làm các thủ thuật y khoa lặp đi lặp lại, chẳng hạn như chạy thận nhân tạo

  • Dùng thiết bị y tế, chẳng hạn như ống đặt trong bàng quang để dẫn lưu nước tiểu (ống thông tiểu)

  • Trước kia từng nhiễm hoặc có MDRO cư trú

  • Lớn tuổi hơn

  • Tiêm chích ma túy bất hợp pháp

MDRO lây lan như thế nào?

  • MDRO thường lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với người có vi khuẩn cư trú hoặc bị nhiễm khuẩn. Một số MDRO có thể lây lan nếu ai đó tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm vi khuẩn. Con đường lây lan phụ thuộc vào vi khuẩn và nơi nó phát triển mạnh trong cơ thể con người. MDRO có thể lây lan qua dịch tiết mũi, da hoặc qua tay không được rửa sạch đúng cách sau khi đi vệ sinh.

  • Trong bệnh viện và cơ sở chăm sóc dài hạn, MDRO thường lây lan trên tay nhân viên y tế. Vi trùng cũng có thể lây lan trên các đồ vật, chẳng hạn như xe đẩy, tay nắm cửa và thành giường.

  • Bên ngoài các cơ sở chăm sóc sức khỏe, MDRO thường lây lan qua tiếp xúc da kề da, dùng chung khăn tắm hoặc dụng cụ thể thao.

Nhiễm MDRO được chẩn đoán như thế nào?

Nhiễm MDRO được chẩn đoán bằng cách phát triển vi khuẩn trong phòng thí nghiệm. Người ta sẽ lấy mẫu từ khu vực nghi ngờ nhiễm khuẩn. Tùy thuộc vào tình trạng nhiễm trùng, quý vị có thể cần lấy mẫu phết da, cấy nước tiểu, cấy máu hoặc có thể cấy đờm để xem phổi có bị nhiễm trùng không. Vi khuẩn được xác định và kiểm tra khả năng kháng thuốc kháng sinh.

MDRO có thể gây ra những loại nhiễm khuẩn nào?

MDRO có thể gây nhiễm khuẩn ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, bao gồm:

  • Da

  • Phổi

  • Đường tiết niệu

  • Dòng máu

  • Vết thương

Nhiễm khuẩn MDRO được điều trị như thế nào?

Có MDRO cư trú thường không cần điều trị. Nhưng mọi người nên tránh làm lây lan MDRO sang người khác. Tùy thuộc vào loại MDRO mà một người có, họ có thể trải qua một quá trình gọi là khử cư trú. Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của quý vị sẽ cho biết thêm về phương pháp điều trị này nếu cần.

Nhiễm khuẩn MDRO có thể khó điều trị. Lý do là chúng không đáp ứng với nhiều loại kháng sinh thông thường. Nhưng một số loại kháng sinh vẫn có hiệu quả chống lại MDRO và được kê đơn thường xuyên. Nhà cung cấp dịch vụ của quý vị sẽ kiểm tra loại MDRO gây bệnh và chọn loại kháng sinh tốt nhất.

Có thể ngăn ngừa nhiễm khuẩn MDRO không?

Cận cảnh rửa tay trong bồn rửa.
Rửa tay thường xuyên giúp ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn.

Bệnh viện, viện dưỡng lão hoặc cơ sở chăm sóc dài hạn giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn MDRO bằng cách thực hiện những việc sau:

  • Rửa tay. Đây là cách quan trọng nhất để ngăn chặn sự lây lan của vi trùng. Nhân viên y tế cần rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước và sau khi điều trị cho mỗi người. Hoặc họ cần sử dụng nước rửa tay chứa cồn trước và sau khi điều trị cho mỗi người. Họ cũng cần rửa tay sau khi chạm vào bất kỳ bề mặt nào có thể bị nhiễm bẩn và sau khi cởi bỏ quần áo bảo hộ.

  • Mặc quần áo bảo hộ. Nhân viên y tế và khách đến thăm đeo găng tay, mặc áo choàng và đôi khi đeo khẩu trang khi họ vào phòng của người nhiễm MDRO. Quần áo bảo hộ được cởi bỏ trước khi rời khỏi phòng.

  • Cẩn thận khi sử dụng thuốc kháng sinh. Chỉ sử dụng kháng sinh khi cần thiết. Nhà cung cấp của quý vị sẽ kê đơn sử dụng trong thời gian ngắn nhất có thể. Sử dụng thuốc kháng sinh theo đơn, ngay cả khi các triệu chứng của quý vị biến mất trước khi dùng hết thuốc. Làm vậy giúp ngăn chặn sự phát triển của nhiều vi khuẩn kháng kháng sinh hơn.

  • Phòng riêng. Những người nhiễm MDRO được bố trí phòng riêng. Mục đích là để ngăn nhiễm trùng lây lan.

  • Vệ sinh hàng ngày. Làm sạch và khử trùng tất cả các vật dụng, thiết bị và bề mặt phòng chăm sóc bệnh nhân hàng ngày.

  • Giám sát. Các bệnh viện theo dõi chặt chẽ sự lây lan của MDRO. Họ cũng hướng dẫn tất cả nhân viên về những cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan này.

Những người trong bệnh viện có thể giúp ngăn ngừa nhiễm MDRO bằng cách thực hiện những việc sau:

  • Yêu cầu tất cả nhân viên bệnh viện và khách đến thăm rửa tay trước khi chạm vào quý vị. Đừng ngại lên tiếng.

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước vòi sạch. Hoặc sử dụng gel rửa tay chứa cồn.

  • Yêu cầu lau sạch ống nghe và các dụng cụ khác bằng cồn trước khi dùng chúng trên người quý vị.

 Nếu quý vị đang chăm sóc người bị nhiễm MDRO:

  • Rửa tay trong ít nhất 20 giây bằng xà phòng và nước vòi sạch trước và sau khi tiếp xúc với người đó.

  • Đeo găng tay nếu quý vị có thể chạm vào dịch cơ thể. Vứt bỏ găng tay sau khi đeo. Sau đó rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch.

  • Giặt khăn trải giường, khăn tắm và quần áo của người đó trong nước nóng với xà phòng và thuốc tẩy dạng lỏng.

  • Thường xuyên vệ sinh phòng của người đó bằng chất khử trùng gia dụng. Hoặc tự làm sản phẩm vệ sinh của chính mình. Tự làm sản phẩm vệ sinh bằng cách thêm 1/4 cốc thuốc tẩy dạng lỏng vào 1 gallon nước.

Ai cũng có thể giúp ngăn nhiễm MDRO bằng cách thực hiện những việc sau:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước vòi sạch.

    • Vệ sinh toàn bộ tay, dưới các móng tay, giữa các ngón tay, và lên cổ tay.

    • Rửa trong ít nhất 15 đến 20 giây.

    • Xả nước. Để nước chảy xuống các ngón tay, không chảy ngược lên cổ tay.

    • Làm khô tay thật kỹ. Sử dụng khăn giấy để tắt vòi nước và mở cửa.

  • Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng dung dịch rửa tay có cồn.

    • Bóp khoảng 1 muỗng canh dung dịch này vào lòng bàn tay.

    • Cọ nhanh hai tay vào nhau. Vệ sinh các mu bàn tay, lòng bàn tay, giữa các ngón tay, và lên cổ tay.

    • Chà cho đến khi hết dung dịch và tay quý vị khô hoàn toàn.

  • Giữ vệ sinh chỗ bị cắt hoặc cào xước và che lại cho đến khi chúng lành.

  • Không tiếp xúc với vết thương hoặc băng gạc của người khác.

  • Không dùng chung khăn tắm, dao cạo râu, quần áo và dụng cụ thể thao.

Online Medical Reviewer: Chris Southard RN
Online Medical Reviewer: Rita Sather RN
Online Medical Reviewer: Sabrina Felson MD
© 2000-2025 The StayWell Company, LLC. All rights reserved. This information is not intended as a substitute for professional medical care. Always follow your healthcare professional's instructions.
Powered by Krames by WebMD Ignite
About StayWell | Terms of Use | Privacy Policy | Disclaimer